Làn dừng khẩn cấp là một phần không thể thiếu trên các tuyến đường cao tốc. Vậy làn dừng khẩn cấp là gì và nó có tầm quan trọng như thế nào? Hãy cùng Wuling EV Việt Nam tìm hiểu thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như những lưu ý quan trọng khi lái xe trên làn dừng khẩn cấp nhé!
1. Làn dừng khẩn cấp là gì?
Theo Quy chuẩn QCVN 115:2024/BGTVT về Đường bộ cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp là phần đường được thiết kế đặc biệt để phục vụ cho việc dừng đỗ tạm thời của các phương tiện gặp sự cố, để các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hoạt động. Trong làn dừng khẩn cấp, các phương tiện khác không được phép chạy xe cũng như không tự ý dừng xe, trừ các loại xe ưu tiên.
Tìm hiểu khái niệm về làn dừng khẩn cấp là gì
2. Các trường hợp được phép sử dụng làn dừng khẩn cấp
Làn dừng khẩn cấp được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và cấp bách. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông. Các trường hợp được phép sử dụng làn dừng xe khẩn cấp bao gồm:
- Xe bị hỏng hóc
- Xe không thể tiếp tục di chuyển.
- Tài xế gặp các vấn đề về sức khỏe.
- Xảy ra tai nạn giao thông.
- Một số các trường hợp khẩn cấp khác.
Được phép sử dụng làn dừng khẩn cấp khi các phương tiện gặp tai nạn không mong muốn
3. Lưu ý khi dừng xe trên làn khẩn cấp
Khi gặp tình huống khẩn cấp và cần sử dụng làn dừng khẩn cấp, tài xế cần nắm rõ các lưu ý quan trọng sau. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như các phương tiện khác.
3.1 Quan sát các phương tiện phía sau và di chuyển từ từ trước khi chuyển làn
Khi muốn rẽ vào làn dừng khẩn cấp, bạn phải chú ý quan sát thật kỹ các phương tiện đang di chuyển phía sau. Cần thực hiện chuyển làn một cách từ từ, tuần tự từng làn một để đảm bảo an toàn.
Cần quan sát kỹ các phương tiện phía sau và di chuyển tuần tự từng làn một
Bạn tuyệt đối không được chuyển làn liên tiếp. Bởi vì các phương tiện khác sẽ không thể phản ứng kịp để chủ động giảm tốc và nhường đường khi đang di chuyển ở tốc độ cao. Nếu vi phạm lỗi đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc này, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn là rất lớn.
3.2 Không dừng và đỗ xe ở đường giao nhau hoặc điểm khuất
Khi cần dừng/ đỗ xe, bạn cần tránh các khu vực khuất tầm nhìn hoặc ngay các tuyến đường giao nhau. Thay vào đó, hãy chọn những điểm dừng thông thoáng và dễ quan sát. Điều này giúp các phương tiện lưu thông khác dễ dàng nhận biết và điều chỉnh khoảng cách lái xe an toàn. Đồng thời, điều này cũng giúp các đơn vị cứu hộ tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Tuyệt đối không dừng và đỗ xe ở đường giao nhau hoặc các điểm khuất
3.3 Bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi chuyển làn và cả khi đã dừng xe
Trước khi chuyển vào làn dừng khẩn cấp, bạn hãy bật đèn cảnh báo nguy hiểm để thông báo cho các phương tiện khác. Kể cả khi đã dừng xe trên làn khẩn cấp, bạn hãy duy trì việc bật đèn cảnh báo. Điều này sẽ giúp các phương tiện xung quanh chủ động giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn cũng như giúp đơn vị cứu hộ tiếp cận dễ dàng.
Cần tuân thủ quy định về làn dừng khẩn cấp bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi chuyển làn
3.4 Kéo phanh tay để tránh xe bị trôi
Khi đã dừng xe ở làn khẩn cấp, bạn cần thực hiện thao tác kéo phanh tay. Điều này sẽ giúp xe không bị trôi, giữ cho vị trí dừng của bạn luôn an toàn.
Cần thực hiện thao tác kéo phanh tay để tránh xe bị trôi khi đỗ xe
3.5 Đặt biển phản quang cảnh báo và di chuyển hành khách trên xe đến khu vực an toàn
Sau khi dừng xe, cần lập tức di tản các hành khách ra khỏi xe và đưa họ đến khu vực an toàn. Điều này sẽ giúp tránh được những nguy cơ va chạm không mong muốn có thể xảy ra.
Đặt biển phản quang cảnh báo và di chuyển hành khách trên xe đến khu vực an toàn
Đồng thời, bạn hãy đặt biển phản quang cảnh báo nguy hiểm ở phần đuôi xe. Điều này vô cùng trong điều kiện ánh sáng yếu, đặc biệt là vào ban đêm. Đây sẽ là tín hiệu để giúp các phương tiện khác dễ dàng nhận diện và điều chỉnh tốc độ.
3.6 Không đứng tại phần đuôi xe
Trong khi chờ cứu hộ, bạn cần tránh đứng tại phần đuôi xe vì đây là vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Nếu phải ra khỏi xe, bạn nên đứng ở phía đầu mui xe hoặc tìm một vị trí an toàn khác.
Bạn cần tránh đứng tại phần đuôi xe để tránh nguy cơ xảy ra tai nạn
3.7 Đánh lái phần đầu xe về bên phải
Sau khi dừng xe, bạn hãy đánh lái phần đầu xe về phía bên phải. Việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nếu không may xảy ra va chạm với phương tiện khác. Khi để phần đầu xe hướng ra ngoài, xe sẽ lao ra ngoài thay vì lao ngược vào lại đường cao tốc. Điều này giúp bảo vệ cả bạn và những phương tiện khác đang lưu thông.
Một trong những quy định về làn dừng khẩn cấp là đánh lái phần đầu xe về bên phải
4. Mức phạt khi không tuân thủ các quy định khi giao thông trên làn khẩn cấp
Nhiều người thắc mắc dừng xe ở làn khẩn cấp có bị phạt không. Câu trả lời là có nếu bạn không tuân thủ các quy định khi giao thông trên làn khẩn cấp. Cụ thể, theo Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các phương tiện không được phép lái xe trên làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường. Nếu bạn vi phạm lỗi đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt nghiêm khắc.
Mức phạt khi không tuân thủ các quy định khi giao thông trên làn dừng khẩn cấp là gì
Căn cứ vào Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi điều khiển xe chạy trên làn dừng khẩn cấp hoặc phần lề đường trên đường cao tốc dao động từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Hiểu rõ về làn dừng khẩn cấp là gì và các quy định liên quan là yếu tố vô cùng quan trọng giúp bạn đảm bảo sự an toàn khi tham gia giao thông. Hy vọng bài viết trên đây của Wuling EV Việt Nam đã giúp bạn có thể nhiều thông tin bổ ích!