Tìm kiếm Tin tức Tìm Đại lý Đăng ký lái thử Liên hệ Hỗ trợ

Hệ thống chiếu sáng ô tô và những thông tin bạn cần biết

Tin chuyên ngành
01/05/2024 10:00

Không chỉ một trong những chi tiết tạo nên tính thẩm mỹ cho xe, hệ thống chiếu sáng ô tô còn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, nó còn giúp người lái phát hiện vật cản khi bị hạn chế tầm nhìn và tránh va chạm vào ban đêm. Vậy hệ thống này là gì? Khi sử dụng nó, chúng ta cần lưu ý điều gì? Hãy cùng Wuling EV Việt Nam tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!

1. Hệ thống chiếu sáng ô tô là gì?

Hệ thống chiếu sáng trên ô tô là một bộ phận gồm nhiều thiết bị chiếu sáng kết nối với nhau, được điều khiển bởi một thiết bị trung tâm. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho người lái khi điều khiển ôtô vào ban đêm hoặc trong điều kiện thiếu sáng. Hệ thống đèn sẽ giúp tăng cường tầm nhìn và đảm bảo an toàn cho người lái cũng như những người tham gia giao thông khác. 

Hệ thống đèn chiếu sáng trên xe ô tô được phân loại theo mục đích chiếu sáng, tín hiệu và thông báo. Ví dụ, đèn pha ôtô được dùng để chiếu sáng, đèn xi nhan giúp xe phát các tín hiệu báo rẽ, đèn hậu thông báo sự hiện diện của xe. Bên cạnh hệ thống chiếu sáng cơ bản, tùy vào từng loại xe mà nhà sản xuất sẽ trang bị thêm nhiều loại đèn với chức năng khác nhau.

Nhiệm vụ và yêu cầu của hệ thống đèn chiếu sáng của xe ô tô

Nhiệm vụ và yêu cầu của hệ thống đèn chiếu sáng của xe ô tô

Nhiệm vụ của hệ thống chiếu sáng ô tô:

  • Chiếu sáng phần đường khi ô tô chuyển động trong đêm tối. Điều này nhằm đảm bảo an toàn và tạo điều kiện lái xe thuận lợi cho người điều khiển ô tô.
  • Cảnh báo sự hiện diện của xe trên đường, báo kích thước, báo khuôn khổ và biển số của xe. Ngoài ra, nó còn giúp báo hiệu khi xe quẹo vòng, rẽ trái/phải cho các phương tiện tham gia giao thông khác trên đường biết. 
  • Chiếu sáng các bộ phận trong ô tô khi cần thiết, chẳng hạn như buồng lái, khoang hành khách, khoang hành lý,... 
  • Chiếu sáng góc cua khi vào cua ở những vùng ánh sáng của đèn cốt không thể chiếu đến.
  • Điều khiển vùng sáng của đèn pha theo góc lái.

Hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô cần phải đáp ứng một số yêu cầu như sau:

  • Đảm bảo tính an toàn cho người điều khiển và người tham gia giao thông.
  • Đảm bảo hệ thống đèn luôn hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết.
  • Tiêu thụ ít điện năng, có độ bền và tuổi thọ cao.
  • Trang bị số lượng đèn, kích thước và màu sắc phải phù hợp với xe.
  • Cường độ sáng của đèn đủ lớn.
  • Không làm lóe mắt tài xế lưu thông ngược chiều.
  • Khi người lái quay góc đánh lái vô lăng thì vùng chiếu sáng đèn pha phải thay đổi.

2. Các hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô

Mỗi ô tô sẽ được trang bị 2 loại đèn chiếu sáng gồm đèn chiếu sáng bên ngoài xe và đèn chiếu sáng bên trong xe. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các loại đèn của hệ thống chiếu sáng ô tô nhé!

2.1. Hệ thống chiếu sáng ô tô bên ngoài

Hệ thống đèn chiếu sáng ô tô bên ngoài bao gồm các loại đèn như sau:

  • Đèn pha: Đây là loại đèn cơ bản và quan trọng được gắn ở đầu xe, giúp tài xế dễ dàng quan sát đường và đảm bảo an toàn, nhất là vào ban đêm. Nó thường có hai chế độ gồm cos và pha. Chế độ cos là đèn chiếu sáng gần (50m – 75m) với công suất khoảng 35W – 40W. Pha là chế độ chiếu sáng xa (180m – 250m) có công suất 45W – 70W. Với cường độ ánh sáng cao, chế độ pha thường làm lóa mắt người điều khiển phương tiện đi đối diện.
  • Đèn hậu: Loại đèn này được thiết kế nhằm hỗ trợ các phương tiện phía sau nhận biết vị trí xe và xử lý kịp thời nếu có sự cố phát sinh. Đèn hậu có công dụng rất hữu hiệu khi điều khiển ô tô vào ban đêm hoặc trong đường hầm.
  • Đèn xi nhan: Hệ thống chiếu sáng ô tô cảnh báo hay còn gọi là đèn xi-nhan được gắn ở đầu xe và đuôi xe. Loại đèn này giúp đưa ra các tín hiệu báo rẽ và cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh. Đèn xi-nhan thường có màu vàng hoặc màu đỏ.
  • Đèn phanh: Là loại đèn chiếu sáng phía sau với ánh sáng màu đỏ, nó sẽ được kích hoạt khi tài xế phanh xe. Điều này là một tín hiệu nhằm cảnh báo các phương tiện phía sau chuẩn bị dừng lại. Thông thường, đèn phanh sẽ được lắp chung vỏ với đèn hậu và phát ra ánh sáng mạnh hơn. Theo quy định của Liên Hợp Quốc, cường độ sáng của đèn phanh xe ô tô dao động trong khoảng 60cd – 185cd.
  • Đèn cảnh báo nguy hiểm: Loại đèn này sẽ được dùng khi tài xế muốn đỗ xe khẩn cấp.

Các loại đèn chiếu sáng bên ngoài ô tô

Các loại đèn chiếu sáng bên ngoài ô tô

  • Đèn lùi: Đây là loại đèn được sử dụng để cảnh báo các phương tiện và người đi bộ xung quanh rằng xe đang chuẩn bị lùi lại. Theo tiêu chuẩn quốc tế, đèn lùi của xe ô tô thường có ánh sáng màu trắng.
  • Đèn kích thước: Tên gọi khác của đèn kích thước là đèn vị trí. Chúng đảm nhận nhiệm vụ báo cho người đang lưu thông trên đường biết vị trí và kích thước xe của bạn vào ban đêm.
  • Đèn biển số: Một số dòng xe hiện nay còn được trang bị thêm đèn biển số. Nó giúp các phương tiện phía sau và lực lượng chức năng quan sát biển số dễ dàng trong điều kiện ánh sáng thấp.
  • Đèn sương mù: Loại đèn này được bố trí cả trước và sau xe. Đèn sương mù được kích hoạt khi tài xế điều khiển xe trong điều kiện thời tiết mưa lớn hoặc sương mù. Chức năng của loại đèn này là cải thiện tầm nhìn và giảm thiểu tác động của điều kiện thời tiết xấu đối với việc lái xe.

2.2. Hệ thống chiếu sáng trên ô tô bên trong

Hệ thống chiếu sáng ô tô bên trong có 2 loại cơ bản gồm đèn sáng taplo và đèn sáng trong xe. Cụ thể như sau:

  • Đèn sáng taplo: Tác dụng của đèn sáng taplo là làm sáng vùng đồng hồ và các đèn báo, giúp lái xe dễ dàng quan sát và theo dõi các thông số. Chúng sẽ được chiếu sáng khi công tắc đèn pha được bật ở nấc 1.
  • Đèn sáng trong xe: Loại đèn này sẽ được bố trí ở trần xe hoặc gương chiếu hậu trên ô tô. Công tắc của đèn có 3 chế độ gồm luôn sáng (ON), luôn tắt (OFF) và tự động bật khi cửa xe mở (DOOR).

Những loại đèn được đặt bên trong hệ thống chiếu sáng thông minh trên ô tô

Những loại đèn được đặt bên trong hệ thống chiếu sáng thông minh trên ô tô

3. Lưu ý dùng hệ thống đèn chiếu sáng ô tô

Khi sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô, bạn cần lưu ý một số điều như sau:

  • Khi điều khiển ôtô ở nơi có mật độ phương tiện đông đúc, nếu muốn rẽ hoặc quay đầu, bạn nên dùng hệ thống đèn cảnh báo, đèn tín hiệu.
  • Với đoạn đường không có dải phân cách, bạn chỉ nên sử dụng đèn ở chế độ cos. Điều này tránh làm chói mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn của phương tiện đi ngược chiều và người đi bộ.
  • Hệ thống chiếu sáng ô tô bao gồm nhiều loại đèn với mục đích sử dụng khác nhau. Do đó, bạn nên sử dụng đúng cách từng loại đèn trong từng trường hợp cụ thể.
  • Ngoài ra, bạn cần phải thường xuyên bảo dưỡng hệ thống đèn trên ô tô nhằm đảm bảo tầm nhìn và khả năng quan sát tốt nhất.
  • Nếu muốn thay hệ thống chiếu sáng, bạn cần chọn loại đèn mới sao cho nó phải đạt tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật. Điều này không chỉ giúp người lái có tầm nhìn tốt mà còn không làm ảnh hưởng tới các phương tiện lưu thông khác trên đường.

Một số lưu ý quan trọng khi dùng hệ thống chiếu sáng và tín hiệu trên ô tô

Một số lưu ý quan trọng khi dùng hệ thống chiếu sáng và tín hiệu trên ô tô

Trên đây là những thông tin cơ bản về hệ thống chiếu sáng ô tô mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng rằng bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức hữu ích về các loại đèn chiếu sáng ô tô thông qua bài viết này. Nếu có câu hỏi nào cần được giải đáp, bạn hãy liên hệ ngay với Wuling EV Việt Nam nhé!

Quay lại
0 Bình luận
Viết bình luận